Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Xuất khẩu nhựa kỳ vọng tăng trưởng trên 16%

Trong năm 2014, Bộ Công Thương kỳ vọng ngành nhựa xuất khẩu sẽ tăng trưởng thêm 13,5% - 16,5% và giá trị sản phẩm ngành tăng lên 78,5 nghìn tỉ đồng đến năm 2015.

Triển lãm ProPak Vietnam và Plastics &Rubber Vietnam 2014 thu hút nhiều DN đến tìm hiểu công nghệ mới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhựa Việt Nam, trong năm 2013 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa đạt 2,215 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đạt 1,808 tỷ USD, tăng 13,3% so với 2012.
Với những con số trên, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài kỳ vọng viễn cảnh kinh tế Việt Nam tươi sáng. Theo đó, hai triển lãm kết hợp tại cùng một địa điểm là ProPak Vietnam và Plastics &Rubber Vietnam 2014, diễn ra từ ngày 4 -6/3/2014 tại TP.HCM đã thu hút hơn 470 DN đến từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự với 13 nhóm gian hàng về công nghệ, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su; công nghệ xử lý, thử nghiệm, chế biến thực phẩm và đóng gói bao bì…
Đáng chú ý, hai triển lãm năm nay đã có thêm nhiều giải pháp công nghệ vì có hơn 35% các ứng dụng của ngành nhựa có liên quan trực tiếp đến ngành đóng gói bao bì. Ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc Công ty tổ chức Triển lãm VCCI cho biết: Đây không chỉ là thể hiện niềm tin của các DN nước ngoài vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam mà còn là thêm cơ hội cho các DN trong ngành tìm kiếm những công nghệ và cải tiến mới để phát triển hoạt động kinh doanh, đồng thời kết nối với những DN danh tiếng toàn cầu.
Đồng quan điểm, ông Gernot Ringling – Giám đốc điều hành Công ty Messe Duesseldorf Asia cho hay, hiện có khoảng 4.200 công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM và khoảng 2.800 công ty tại Hà Nội, vì vậy đây là một cơ hội phát triển tốt cho ngành nhựa Việt Nam dưới góc độ cung cấp sản phẩm đóng gói.
Ngành nhựa có hơn 20 chủng loại sản phẩm được xuất khẩu vào các thị trường trên thế giới. Trong đó, 6 loại sản phẩm đạt kim ngạch trên 100 triệu USD. Một số sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như túi nhựa (27%); tượng nhỏ, chậu hoa và các đồ trang trí (26,4%); các loại ống và phụ kiện, nắp, mũ, van (27,9%).
Đặc biệt, 4 sản phẩm là túi nhựa; tấm, phiến, màng nhựa; các sản phẩm vận chuyển, đóng gói và vải bạt có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 150 triệu USD.
Hiện tại, các sản phẩm của nhựa Việt Nam đã có mặt tại 151 thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường đòi hỏi chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật tối ưu như Nhật Bản, Mỹ, Đức, EU.
DN tìm hiểu máy đóng gói bao bì
Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhựa trong khu vực rất gay gắt. Để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành Nhựa Việt Nam năm 2014 đạt 16,5%, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng, về lâu dài cần có những tiểu ban sản phẩm để tạo lợi thế trên thị trường quốc tế thông qua liên kết sản xuất để các doanh nghiệp cùng khai thác, chi phối thị trường.
Đặc biệt, để tiến tới xuất khẩu theo chiều sâu, tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp cần tập trung hiện đại hóa dây chuyền công nghệ, chú trọng vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe tiêu dùng, đạt tiêu chuẩn quốc tế để từ đó xây dựng được thương hiệu của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường thế giới nhằm phát triển ngành Nhựa một cách bền vững.

nguồn: xaluan.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét