Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

Ngành nhựa, chế biến thực phẩm thu hút thiết bị nước ngoài

Sản xuất các ngành công nghiệp nhựa, cao su, chế biến thực phẩm và đồ uống trong nước tăng cao hàng năm đang mở ra cơ hội cho các nhà cung cấp, sản xuất thiết bị, máy móc sản xuất nước ngoài.
Các nhà sản xuất máy móc thiết bị công nghiệp nước ngoài giới thiệu sản phẩm tại triển lãm -Ảnh: Hùng Lê
Có đến hơn 470 doanh nghiệp của 28 quốc gia và lãnh thổ tham gia giới thiệu máy móc thiết bị tại Triển lãm Quốc tế về Công nghệ xử lý, Thử nghiệm, Chế biến và Đóng gói bao bì Việt Nam (Propak Vietnam 2014) và Triển lãm Quốc tế về Công nghệ, Nguyên phụ liệu & Thiết bị máy móc ngành Nhựa và Cao su Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam 2014), cùng được khai mạc tại TPHCM ngày hôm qua 4-3.
Theo ông Justin Pau, Giám đốc Công ty Dịch vụ Triển lãm Bangkok - một trong các nhà tổ chức triển lãm này, năm nay sản lượng hàng xuất khẩu Việt Nam dự báo tăng 20% so với mức 15,4% vào năm 2013 và đây được xem là cơ hội cho các nhà cung cấp máy móc thiết bị.
Bà Vera Fritsche, Giám đốc phụ trách Triển lãm và Thị trường, Bộ phận Máy đóng gói bao bì và máy chế biến thực phẩm thuộc Hiệp hội Kỹ thuật Đức (VDMA), cho rằng Việt Nam là thị trường phát triển nhanh chóng trong ngành thực phẩm, đồ uống, nhựa và cao su. Đáng chú ý là nhu cầu nội địa về thực phẩm đóng gói và chế biến sẽ tiếp tục tăng cao bởi những yếu tố dân số trẻ và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, thói quen tiêu dùng thay đổi, thu nhập ngày càng tăng và đặc biệt nhu cầu nguồn thực phẩm chế biến sẵn chất lượng cao, hợp vệ sinh...
Tuy nhiên, theo bà Fritsche, sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào máy móc nhập khẩu từ các nước. Đó là lý do mà bà đưa đoàn 25 công ty Đức tham gia giới thiệu máy móc, thiết bị và dịch vụ tại hai triển lãm lần này.
Bà Fritsche cho biết máy móc thiết bị của Đức nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây, trong đó máy móc thiết bị đóng gói bao bì thực phẩm và nhựa cao su đạt khoảng 45,5 triệu euro trong 11 tháng đầu năm 2013.
Cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển sản xuất công nghiệp của Việt Nam, bà Bruna Santarelli, Trưởng đại diện Tùy viên Xúc tiến Thương mại Đại sứ Ý tại Việt Nam, cho biết có 12 nhà sản xuất máy móc thiết bị của Ý tham gia hai cuộc triển lãm này. Các doanh nghiệp này được hỗ trợ bởi Thương vụ Ý (ITC), Bộ phận Xúc Tiến Thương Mại trực thuộc Đại sứ quán Ý tại Việt Nam và 2 Hiệp hội các nhà sản xuất Ý là Assocomaplast và UCIMA.
Theo bà Santarelli, Việt Nam đang trên đường trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà sản xuất trong nước có nhu cầu ngày càng cao về các công nghệ và dây chuyền sản xuất tiên tiến. Đây chính là lĩnh vực mà nhiều công ty Ý đã thành công vượt trội trong nhiều thập kỷ qua.
Đại diện gian hàng Quốc tế Đài Loan với 18 doanh nghiệp của lãnh thổ này tham gia cho rằng sản xuất công nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển cùng với đầu tư của doanh nghiệp Đài Loan vào Việt Nam không ngừng gia tăng đã thúc đẩy nhiều nhà sản xuất máy móc thiết bị Đài Loan tăng cường tìm cơ hội làm ăn tại Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, Ishida - nhà sản xuất máy móc đóng gói và thiết bị sản xuất công nghiệp hàng đầu của Nhật cũng đánh giá Việt Nam là một thị trường rất lớn của công ty. Ông Hitoshi Fujieda, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ishida Việt Nam, cho biết công ty đã cung cấp máy móc thiết bị cho doanh nghiệp Việt Nam khá lâu, nhưng thị trường tăng trưởng mạnh kể từ năm 2007 đến nay.
Tính đến nay, theo ông Fujieda, Ishida đã cũng cấp hơn 300 máy đóng gói các loại cùng nhiều thiết bị sản xuất khác cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam như Kinh Đô, Bibica, Vinamit,,,cùng các nhà sản xuất thực phẩm nước ngoài đầu tư sản xuất ở Việt Nam.
Công ty Franco-Pacific Ventures - đơn vị kinh doanh phân phối máy dệt bao bì nhựa PP, xi măng, bao bì cho ngành nông sản của hãng Lohia Group (Ấn Độ), cho biết đã cung cấp hơn 1.000 máy này cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam; riêng năm 2013, công ty đã cung cấp hơn 220 máy.
Theo ông Trần Việt Dũng, Phó Giám đốc, Công ty Tổ Chức Triển Lãm VCCI - đơn vị tham gia tổ chức triển lãm, cho biết, ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh qua những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành bán lẻ. Ngành chế biến thực phẩm nói chung đã có sự tăng trưởng trung bình hơn 10% mỗi năm. Tổng doanh số bán hàng của lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam dự báo sẽ đạt 5,2 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015.
Trong khi đó, theo cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam (Vietrade), ngành sản xuất nhựa đang tăng trưởng 20-25% mỗi năm, là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam. Theo một kế hoạch được Bộ Công thương phê duyệt, ngành nhựa đặt mục tiêu tăng giá trị sản phẩm ngành lên 78.500 tỉ đồng vào năm 2015.
Với một thị trường được đánh giá đầy tiềm năng như trên, các nhà sản xuất máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ các nước đang tăng cường đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam.
Triển lãm ProPak Vietnam 2014 và Plastics & Rubber Vietnam 2014 được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, kéo dài đến ngày 6-3-2014.
ProPak Vietnam năm nay có sự tham gia của 320 doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia/ vùng lãnh thổ; trong khi Plastics & Rubber Vietnam có 152 công ty tham gia triển lãm đến từ 19 quốc gia/ vùng lãnh thổ.
TBKTSG Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét