Hiển thị các bài đăng có nhãn Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho việc xử lý phế liệu nhựa. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho việc xử lý phế liệu nhựa. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho việc xử lý phế liệu nhựa

"Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nhà máy tái chế nhựa phế liệu đạt tiêu chuẩn", trong đó 89% các cơ sở tái chế nhựa tại TP.HCM không có cán bộ chuyên trách về môi trường". Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo " Ứng dụng công nghệ tiên tiến cho việc xử lý phế liệu nhựa" do Sở TN&MT TP.HCM, Sở Công Thương, Công ty CP Nhựa Việt Nam (Vinaplast) phối hợp tổ chức, ngày 25/11.
Sự cần thiết của ngành tái chế  phế liệu nhựa
Hiện nay, trên cả nước có hơn 2.200 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nhựa, trong đó riêng TP.HCM chiếm hơn 80%. Năm 2007, ngành nhựa đạt kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD, năm 2008 đạt 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Ông Nguyễn Khắc Long - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Vinaplast cho rằng, thực chất ngành nhựa hiện nay là một ngành kinh tế kỹ thuật về gia công chất dẻo, gần như toàn bộ nguyên vật liệu sản xuất phải nhập từ nước ngoài. Việc gia công các sản phẩm nhựa trong nước phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu và bán thành phẩm từ nước ngoài vì nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Hàng năm, ngành nhựa phải nhập khẩu 2 - 2,5 triệu tấn các loại nguyên liệu, trị giá trên 2 tỷ USD.

Theo Quy hoạch phát triển tổng thể ngành nhựa Việt Nam giai đoạn 2000 - 2010 đã đặt ra yêu cầu: phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa; phát triển sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao và sản phẩm nhựa xuất khẩu; phát triển ngành công nghiệp xử lý phế liệu nhựa. Trong đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế phế liệu nhựa sẽ góp phần sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; tăng cường khả năng tái chế và giảm thiểu lượng chất thải rắn đô thị đưa đến bãi chôn lấp; tiết kiệm nguồn ngân sách Nhà nước cho các hoạt động quản lý và xử lý chất thải; giúp các doanh nghiệp ngành nhựa chủ động được nguồn nguyên liệu, tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia ( giảm lượng nguyên liệu nhựa nhập khẩu); giảm giá thành sản phẩm nhựa tăng năng lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập ở thị trường trong và ngoài nước. Nếu tận dụng được từ 35 - 50% nguyên liệu nhựa tái sinh thì sẽ tiết kiệm được 600 triệu USD/ năm, tăng được 18 -25% kim ngạch xuất khẩu.

Chưa có nhà máy tái chế nhựa đạt tiêu chuẩn
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế ( Sở TN&MT TP.HCM) cho biết: Hiện nay, mỗi ngày TP.HCM phát sinh trên 7.000 tấn rác thải ( đến năm 2010 khoảng 9.000 tấn/ ngày), trong đó tỷ lệ phế liệu nhựa khá cao. Trong thời gian qua, ngành tái chế nói chung và tái chế nhựa nói riêng đã có nhiều bước phát triển. Tuy nhiên, trình độ công nghệ tái chế nhựa của chúng ta còn lạc hậu, thiên về thủ công, thiếu sự quản lý đâu tư của Nhà nước. Phương pháp tái chế đơn thuần là tái chế cơ học, chưa có tái chế hóa học. Các trang thiết bị, máy móc đã sử dụng hàng chục năm, hầu hết được chế tạo trong nước, thiếu độ chính xác, tiêu hao nhiên liệu lớn, gây tiếng ồn, bụi và đa số chưa bảo đảm các điều kiện an toàn về vệ sinh lao động và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Tại TP.HCM, 89% các cơ sở tái chế nhựa không có cán bộ chuyên trách về môi trường. Những cơ sở này hầu hết nằm rải rác trong các khu dân cư và không tập trung, không có hệ thống xử lý nước thải và khí thải, không đảm bảo an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Vì vậy, theo ông Khoa, bên cạnh tổ chức tốt việc thu gom nhựa phế thải cần phải đầu tư những nhà máy tái chế nhựa có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Ông Đào Duy Kha - Phó TGĐ Vinaplast cho biết, Công ty đang lên kế hoạch đầu tư 2 nhà máy tái chế nhựa phế thải có công suất 50.000 tấn/ năm tại Hưng Yên và Bình Dương. Hai nhà máy này sử dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay với tỷ lệ thành phẩm cao, giá thành xử lý thấp, hoạt động không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau 3 năm khởi động nhưng việc khởi công xây dựng 2 nhà máy trên vẫn chưa thể triển khai, bởi lý do duy nhất thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn do hệ thống thu gom phế liệu nhựa trong nước hiện nay chưa được tổ chức tốt, còn rất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không ổn định, vì vậy không đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.

Vinaplast kiến nghị, trong 5 năm đầu nhà máy đi vào hoạt động khi nguồn phế liệu trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, được phép nhập khẩu thêm phế liệu nhựa có tiêu chuẩn phù hợp với công nghệ hiện đang áp dụng tại Hoa Kỳ và Canada. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát nguồn phế liệu nhựa nhập khẩu đạt chuẩn, không gây ô nhiễm môi trường? Theo ông Kha, trước hết nhà máy xử lý nhựa phế liệu nhập khẩu phải nhập nguyên liệu về để trực tiếp sản xuất, không cho phép nhập về để mua đi bán lại kiếm lời. Thứ hai, phải đầu tư xây dựng nhà máy xử lý có công nghệ tiên tiến mới cho nhập khẩu nhựa phế liệu. Như vậy, cùng với việc vừa kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vừa đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý có công nghệ hiện đại, chắc chắn ngành nhựa Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Được biết, Quy chuẩn môi trường nhập khẩu phế liệu ( trong đó có phế liệu nhựa) đang được BộTN&MT khẩn trương lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và doanh nghiệp để sớm ban hành.
Nguồn Bộ TNMT
XEM CHI TIẾT