Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Nhà cung cấp thiết bị kỳ vọng thị trường Việt Nam

Các nhà sản xuất và cung cấp máy móc, thiết bị công nghiệp tham dự triển lãm quốc tế về công nghiệp nhựa, cao su, bao bì, in ấn, chế biến thực phẩm, công cụ và tự động hoá được khai mạc vào ngày 3-9 tại TPHCM đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam.
Theo đánh giá của các đơn vị tham gia triển lãm, về lâu dài Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, nhất là đối với ngành công nghiệp nhựa, đóng gói bao bì và chế biến thực phẩm.
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (PVA), từ hơn một thập kỷ qua cho đến hiện nay ngành nhựa luôn duy trì tăng trưởng trung bình ở mức 2 con số (cụ thể là từ 16% – 23%) về khối lượng nhập khẩu nguyên liệu cũng như xuất khẩu sản phẩm nhựa. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành nhựa rất lớn.
Bà Mỹ cho rằng mặc dù khó khăn, nhưng doanh nghiệp ngành nhựa hiện vẫn đầu tư vào thiết bị và công nghệ để tăng năng lực cũng như khả năng cạnh tranh, vì nhu cầu xuất khẩu của ngành nhựa vẫn lớn và có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Trong nửa đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa đạt trên 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nhiều năm phân phối máy móc và thiết bị ngành công nghiệp nhựa thương hiệu quốc tế cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa trong nước, ông Trần Lương Cơ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Máy ép nhựa Cheso Việt Nam, cho biết các cổ đông của công ty đánh giá thị trường công nghiệp nhựa Việt Nam còn có thể phát triển tốt đến 20 năm nữa.
Theo ông Cơ, ngành nhựa Việt Nam phát triển trong nhiều năm qua, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ sản xuất. Để cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế, ông Cơ cho rằng các nhà sản xuất phải tính đến chuyện đầu tư máy móc mới, đặc biệt là những công nghệ sản xuất tiết kiệm điện để cạnh tranh.
Dù khó khăn, nhưng ông Cơ cho biết, trong ngày khai mạc của triển lãm, công ty đã có được hợp đồng cung cấp 4 máy ép nhựa cho nhà sản xuất Việt Nam với giá trên 30.000 đô la Mỹ/cái.    
Trong khi đó, đối với ngành bao bì-đóng gói và in ấn, theo ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trung Mỹ Á - đơn vị cung cấp thiết bị ngành bao bì giấy, máy đóng gói..., cho rằng nhiều doanh nghiệp trong nước giờ đây bắt đầu ý thức việc đầu tư công nghệ, móc móc để thiết kế bao bì, vỏ sản phẩm bắt mắt hơn để thu hút người tiêu dùng. Và việc làm này không chỉ diễn ra một lần, mà mỗi doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi mẫu mã. Đây là cơ hội cho các nhà cung cấp máy móc thiết bị trong ngành đóng gói và in ấn.
Tương tự, đối về ngành chế biến thực phẩm, lần đầu tiên nhà chế tạo máy móc cho ngành này của Ý - Tekno Stamap - tham gia triển lãm tại Việt Nam. Theo ông Alessandro Plos, phụ trách kinh doanh của công ty, Tekno Stamap đã cung cấp nhiều máy móc thiết bị cho nhiều nước trên thế giới và bây giờ công ty hướng đến Việt Nam vì thị trường này đang tăng trưởng.
"Không chỉ sản xuất trong nước, nhiều nhà chế biến thực phẩm, bánh, thức ăn nhanh quốc tế... cũng đang hướng đến thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội cho việc cung cấp máy móc thiết bị của chúng tôi", ông Plos chia sẻ và cho biết Tekno Stamap sẽ sớm có văn phòng hoặc đại lý bán hàng ở Việt Nam.
Các nhà tham gia triển lãm cho biết họ mang đến những sản phẩm công nghệ mới nhất và dịch vụ tiên tiến nhằm đón cơ hội ở thị trường đầy triển vọng của Việt Nam, tạo diễn đàn giao thương cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận được những thiết bị công nghệ hiện đại để cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Triển lãm trên cũng được tổ chức tại một số nước châu Á, như Myanmar, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc,.... nhưng triển lãm tại Việt Nam theo ban tổ chức lại có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Do đó, không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp ở các nước trong khu vực, như Lào, Campuchia, cũng đến triển lãm để tìm hiểu mua máy móc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét