Việc tái chế chất thải nhựa nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng nhựa sử dụng trở lại là vấn đề vô cùng cầp thiết. Tuy nhiên tại (VN) vấn đề này đang bế tắc vì lý do lớn nhất là thiếu nguyên liệu và thiếu vốn. Mới đây Sở Công Thương TP HCM và DN ngành nhựa đã cùng thảo luận tìm lời giải cho vấn đề này.
Theo ông Nguyễn Khắc Long - Chủ tịch HĐQT Cty CP nhựa VN (Vinaplast) cho biết ngành nhựa VN đã phát triển rất nhanh, hiện cả nước có khoảng 2.200 DN nhựa và trong khoảng 10 năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%/năm. Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của ngành nhựa VN là hiện 80 - 90% nguyên liệu phải nhập (NK).
Tận dụng phế thải
Ông Long cho rằng, ngành nhựa VN muốn phát triển ổn định thì phải chủ động về nguyên liệu. Nguồn nguyên liệu trước mắt là tận dụng rác nhựa, về lâu dài là các sản phẩm của ngành dầu khí VN. Ngành nhựa tái chế phát triển, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp VN ổn định được nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện VN chưa có hệ thống thu gom rác nhựa, nên không đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế đạt chuẩn hoạt động. Do vậy, ông Long đề xuất là trước mắt cho nhà máy được NK nguyên liệu phế liệu nhựa, nhằm duy trì hoạt động của nhà máy, khi nào trong nước thu gom đủ nguyên liệu phế liệu nhựa thì nhà máy sẽ dùng nguyên liệu trong nước.
Bà Minh Thục - Phó phòng Kế hoạch đầu tư Vinaplast phân tích, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, VN sẽ xây dựng hai nhà máy tái chế nhựa công suất 50.000 tấn/nhà máy. Hiện Vinaplast đã liên doanh và đủ vốn xây dựng, NK công nghệ thiết bị cho nhà máy hoạt động. Một nhà máy nêu trên khi hoạt động, mỗi ngày cần 1.000 tấn nguyên liệu phế liệu nhựa, nhưng thực tế tại VN hiện không thể thu gom đủ. Thực tế, là hiện đang có khoảng 45% các cơ sở tái chế nhựa đang dùng nguyên liệu là hạt nhựa tái chế NK, nhưng nếu dùng hạt nhựa tái chế NK thì nhà máy sẽ không có ý nghĩa gì trong việc giúp VN giảm lượng rác nhựa, tận dụng tài nguyên.
Thiếu vốn nhập thiết bị
Ông Nguyễn Như Khuê - GĐ điều hành Cty RKW Lotus đề nghị, nhựa tái chế VN cần NK công nghệ và thiết bị tiên tiến của thế giới về sử dụng để sản phẩm an toàn, có thể tiêu thụ được. Ông Khuê cũng chứng minh rằng không có nhựa thì sẽ không có nhiều ngành thiết yếu của cuộc sống. Thực tế, một nghiên cứu của Đức cho thấy nếu thay bao bì nhựa bằng vật liệu khác thì trọng lượng bao bì sẽ tăng 391%, lượng rác thải tăng 258%... Công nghiệp tái chế nhựa hiện đã phát triển rất cao, cùng các biện pháp xã hội đồng bộ như giáo dục, phân loại rác tại nguồn... sẽ giải quyết được vấn đề rác nhựa, tiết kiệm về kinh tế. Tại nhiều nước Châu Âu, mọi loại rác nhựa đều được tái chế. Trung Quốc mỗi năm sản xuất ra khoảng 6 triệu tấn hạt nhựa tái chế, trong khi mỗi năm VN chỉ sử dụng khoảng 2 triệu tấn nguyên liệu hạt nhựa.
Tuy nhiên, giải pháp do ông Khuê đưa ra vấp phải vấn đề cũng vô cùng nan giải là công nghệ, thiết bị của ngành tái chế có giá rất cao, trong khi tuyệt đại đa số DN tái chế nhựa thiếu vốn NK thiết bị công nghệ nước ngoài.
Ngành chức năng - chưa có giải pháp hữu hiệu
Ông Lê Văn Khoa - GĐ Quỹ tái chế chất thải TP. HCM khẳng định vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, chất thải nhựa đang rất được ngành chức năng quan tâm, nhưng chưa có giải pháp nào hữu hiệu. Biện pháp cơ bản là tiết giảm - tái sử dụng- tái chế, trong đó tái chế nhựa là khả thi nhất. Tại TP. HCM đang có khoảng 400 cơ sở thu mua phế liệu nhựa, và 80 cơ sở tái chế nhựa, với công nghệ đơn giản chỉ sử dụng được các loại nhựa sạch như chai lọ nhựa, bao nilon sạch nên số lượng rác nhựa thu gom được không đáng là bao, mỗi ngày chỉ thu gom được khoảng 6.000 - 7.000 tấn chất thải nhựa dùng cho tái chế.
Cũng bàn về giải pháp, ông Nguyễn Cảnh Lộc - đại diện Quỹ tái chế chất thải TP HCM (REPU) cho rằng cần một giải pháp khả thi. Ông này cho biết, REPU đang có chương trình hỗ trợ DN tái chế như cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ mặt bằng, kỹ thuật... Tuy nhiên, theo một số DN thì các điều kiện để được hỗ trợ là rất khó đáp ứng như: Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, có chương trình DA hiệu quả, có phương án sản xuất kinh doanh bảo đảm trả được nợ, có năng lực chuyên môn - tài chính...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét