Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Tái chế nhựa hiện trạng và giải pháp

Cùng với sự phát triển của dân số và kinh tế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP.HCM ngày càng tăng. Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. Đến nay, trước những yêu cầu bức thiết về nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhựa, các dự án tái chế nhựa quy mô lớn ra đời nhưng lại gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu phế liệu nhựa. Nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tập trung giải quyết 3 vấn đề chính: (i) quy định trách nhiệm tái chế chất thải nhựa đối với doanh nghiệp, (ii) nâng cao hiệu quả thu gom phế liệu nhựa và (iii) hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thành phố Hồ Chí Minh hiện chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị với lượng phát sinh trung bình hơn 7.000 tấn mỗi ngày. Chiếm thành phần lớn thứ hai trong chất thải rắn sinh hoạt đồng thời với bản chất khó phân hủy, chất thải nhựa ngày càng đóng vai trò không nhỏ trong các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị.
Để giải quyết lâu dài các vấn đề trên, bên cạnh các biện pháp xử lý truyền thống, thành phố cũng đã bước đầu triển khai những biện pháp quản lý chất thải rắn theo hướng 3T (tiết giảm, tái sử dụng, và tái chế chất thải). Trong đó, tái chế chất thải không chỉ giúp giảm lượng chất thải rắn phải xử lý mà còn có ý nghĩa to lớn trong tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2015, 60% chất thải sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.
Về phía ngành nhựa, thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn cung cấp nguyên liệu. Quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, sản phẩm ngành nhựa khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Quy hoạch tổng thể ngành nhựa giai đoạn 2000-2020, Bộ Công thương đã đưa việc phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa là một trong 3 chương trình trọng điểm. Theo đó, việc hình thành các nhà máy tái chế phế liệu nhựa sẽ là bước khởi đầu trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng về nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Thực tế, hoạt động tái chế nhựa tại TPHCM đã có từ lâu đời nhưng với công nghệ tái chế lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế thấp. Trong khi đó, các dự án tái chế nhựa quy mô lớn lại gặp khó khăn về vấn đề nguồn nguyên liệu. Hệ thống thu mua phế liệu nhựa hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của các dự án tái chế nhựa quy mô lớn cả về chất và lượng. Vì vậy, để ngành tái chế nhựa phát triển mạnh như một ngành sản xuất công nghiệp nhằm không chỉ sử dụng hiệu quả tài nguyên, đạt hiệu quả kinh tế mà còn giảm thiểu các vấn đề môi trường liên quan thì việc đánh giá chính xác về hiện trạng hoạt động tái chế nhựa nói riêng ở TP HCM là rất cần thiết. Từ đó định hướng phát triển ngành tái chế nhựa cũng như xây dựng chính sách hỗ trợ sự phát triển của ngành tái chế nhựa tại Thành phố.
2. HIỆN TRẠNG PHÁT SINH VÀ TIỀM NĂNG TÁI CHẾ CHẤT THẢI NHỰA TẠI TP HCM
    2.1 Hiện trạng phát sinh chất thải nhựa tại TP HCM
    Kết quả khảo sát thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt của Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM (2009) cho thấy nhựa chiếm tỷ trọng cao (chỉ sau rác thực phẩm) trong chất thải rắn đô thị. Trong đó, có thể thấy nhựa chiếm tỷ lệ cao trong chất thải rắn siêu thị, trung tâm thương mại (20,16%) và khu vực văn phòng (14,3%).
    Bảng 1. Thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt

    Nguồn
    Tỷ lệ thành phần nhựa (%)
    Khoảng dao động
    Trung bình
    1
    Hộ gia đình
    0-34,2
    8,9
    2
    Văn phòng
    0-31,2
    1,3
    3
    Chợ
    0-8,3
    4,4
    4
    Siêu thị, trung tâm thương mại
    7,6-38,6
    20,2
    5
    Trạm trung chuyển
    0,75-8,1
    3,2
    6
    Bãi chôn lấp
    0,9-2,9
    1,9
    (Nguồn: Quỹ Tái chế chất thải, 2009)
    Như vậy, ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP.HCM.  Trong đó, khoảng 48.000 tấn chất thải nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác mỗi năm (chủ yếu là các loại nhựa ít có giá trị), còn khoảng 200.000 tấn chất thải nhựa tổn lưu, được thu mua để tái chế hoặc phát tán vào môi trường.

    sơ đồ dòng chất thải nhựa tại tphcm
    2.2 Tiềm năng tái chế chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM
    Theo số liệu của Hiệp hội nhựa Việt Nam (2009), tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân của người Việt Nam hiện nay là 28kg, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực. Không chỉ dân số mà cả tốc độ tiêu thụ nhựa tại TP.HCM đang không ngừng tăng nhanh cùng với tốc độ phát triển kinh tế. Điều này đồng nghĩa với sản lượng nhựa tiêu thụ và chất thải nhựa phát sinh sẽ không ngừng tăng nhanh trong tương lai. Nếu dân số TP.HCM giữ tốc độ tăng bình quân 3,5% (tự nhiên và cơ học) và tốc độ tiêu thụ sản phẩm nhựa tại TP.HCM đạt bằng mức bình quân thế giới hiện nay (40kg/người), ước tính đến năm 2020, lượng nhựa tiêu thụ cũng như lượng chất thải nhựa phát sinh tại TP.HCM sẽ vào khoảng 400.000 tấn/năm. Lượng chất thải nhựa này một mặt là gánh nặng đối với công tác quản lý môi trường của thành phố đồng thời mặt khác lại là cơ hội cho ngành tái chế nhựa nói riêng và ngành nhựa nói chung của thành phố. Những cơ hội mà hoạt động tái chế chất thải nhựa đem lại cho thành phố có thể tóm tắt như sau:

    (1) Về mặt kinh tế
    - Tăng hiệu quả kinh tế cho ngành nhựa. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2009), chi phí nguyên liệu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm. Khảo sát từ các doanh nghiệp, việc sử dụng phế liệu nhựa làm cho giá nguyên liệu đầu vào giảm khoảng 30% sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm hơn 15%. Khác với thời gian trước đây, tỷ lệ hạt nhựa tái sinh pha với hạt nhựa nguyên sinh chỉ đạt mức 20%, nhưng với công nghệ hiện nay, tỷ lệ đó đã tăng lên 3-4 lần. Ngoài ra, công nghệ tái chế tiên tiến trên thế giới đã cho phép tăng cường khả năng cạnh tranh do hạn chế được các khoản phát sinh trong sản xuất như điện năng tiêu hao, nhân công… Tại Công ty nhựa Việt Nam, chỉ tính mức tận dụng từ 35-50% nguyên liệu nhựa tái sinh sẽ góp phần tiết kiệm hơn 600 triệu USD mỗi năm cho doanh nghiệp, đồng thời cũng tăng được 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành.  Không những vậy, một số khách hàng Nhật, Châu Âu, Mỹ chuộng những sản phẩm nhựa “thân thiện với môi trường”, một số yêu cầu sản phẩm nhựa xuất khẩu phải sử dụng tối thiểu 10% nhựa tái chế (Hiệp hội nhựa Việt Nam, 2009).
    Giảm gánh nặng xử lý chất thải nhựa. Không chỉ đem lại lợi kích kinh tế cho ngành nhựa, tái chế chất thải nhựa còn giúp giảm chi phí sử dụng cho xử lý chất thải nhựa, vốn đang được chôn lấp cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt khác. Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là 300.000 VNĐ/tấn. Như vậy, nếu 50.000 tấn chất thải nhựa hiện đang được chôn lấp được tái chế, thành phố có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ mỗi năm.

    (2) Về mặt xã hội
    -         Tái chế chất thải nhựa, đặc biệt là hoạt động thu gom và phân loại chất thải nhựa tạo cơ hội việc làm cho lao động trình độ thấp.
    -         Giảm lượng rác thải cần chôn lấp cũng có nghĩa giảm áp lực về diện tích đất dành cho chôn lấp, và đất sẽ được sử dụng cho các mục đích công cộng khác.
    -         Góp phần bình ổn giá nguyên liệu cũng như sản phẩm nhựa trong nước.

    (3) Về mặt môi trường
    -         Tác động đầu tiên về mặt môi trường là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất hạt nhựa nguyên sinh. Như đã trình bày, tái chế 1 tấn nhựa có thể tiết kiệm năng lượng sử dụng cho 2 người trong 1 năm, tương đương với 2000 pound dầu hỏa (tương đương khoảng 90kg) (WRAP, 2008). Như vậy, nếu tái chế 250.000 tấn nhựa sẽ tiết kiệm được khoảng 23 ngàn tấn dầu mỗi năm.
    -         Bảo tồn tài nguyên không thể tái tạo. Nhựa được sản xuất từ dầu mỏ, giảm sản xuất hạt nhựa giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ.
    -         Bên cạnh đó, thu gom và tái chế chất thải nhựa hiệu quả giúp giảm thiểu hàng loạt vấn đề môi trường liên quan đến chất thải nhựa như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…

    3. HIỆN TRẠNG HOẠT ĐỘNG TÁI CHẾ PHẾ LIỆU NHỰA TẠI TP.HCM
      Hiện nay, hoạt động tái chế nhựa tại TPHCM đang được thực hiện bởi hai nhóm đơn vị: (i) các cơ sở tái chế nhựa vừa và nhỏ và (ii) các doanh nghiệp nhựa lớn.
      Đối với các cơ sở tái chế nhựa vừa và nhỏ, có thể thấy lợi ích đem lại từ hoạt động của các đơn vị này chủ yếu là giảm lượng rác thải cần xử lý, tái chế chất thải thành nguyên liệu có ích, tạo được việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, rõ ràng với công nghệ sử dụng như hiện nay, hiệu quả kinh tế-môi trường của hoạt động tái chế nhựa của các đơn vị này là không cao, hiệu suất tiêu thụ năng lượng cao, phát thải ô nhiễm cao, hạt nhựa tái chế có chất lượng thấp chỉ sử dụng để sản xuất các mặt hàng nhựa gia dụng giá trị thấp, hiệu quả kinh tế đem lại không cao.
      Theo kết quả khảo sát của Quỹ Tái chế chất thải (2009), 14% các doanh nghiệp nhựa lớn tại TP.HCM có hoạt động tái chế nhựa, trong đó 57% sử dụng nguồn phế liệu nhựa là sản phẩm lỗi trong sản xuất của công ty, phần còn lại có thu mua phế liệu nhựa từ bên ngoài để tái chế. Đối với các doanh nghiệp nhựa lớn, do sử dụng công nghệ tiên tiến, hoạt động tái chế nhựa tại các đơn vị này đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội cao. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhựa lớn hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc tái chế các phế phẩm nhựa trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ rác thải sinh hoạt do còn e ngại về tính ổn định của nguyên liệu đầu vào.
      Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tái chế nhựa tại TPHCM không chỉ có các ưu khuyết điểm  các yếu tố nội tại của ngành tái chế nhựa mà còn cả các yếu tố thuận lợi và khó khăn từ bên ngoài.

      (1) Điểm mạnh
      Quy mô đầu tư. Hầu hết các cơ sở tái chế nhựa đều là qui mô vừa và nhỏ. Đây là một ưu điểm của các cơ sở tái chế nhựa hiện nay thể hiện ở tính linh hoạt cao, mạng lưới thu mua nguyên liệu nhựa phế thải rộng khắp, sản phẩm đa dạng, có khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường..
      Công nghệ tái chế. Công nghệ tái chế lạc hậu, thô sơ là một hệ quả của mức đầu tư thấp, nhỏ lẻ đồng thời về một phương diện khác cũng là một lợi điểm khả năng thay đổi dễ dàng công nghệ tái chế và về thu hút đầu tư do yêu cầu vốn đầu tư thấp.
      Giá nhân công rẻ. Điều này là một trong những yếu tố làm cho sản phẩm nhựa tái chế có tính cạnh tranh cao về giá thành.

      (2) Điểm yếu
      Quy mô đầu tư. Quy mô đầu tư nhỏ, vốn ít là một khó khăn cho cho các cơ sở trong việc đầu tư cho công nghệ và trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở.
      Công nghệ tái chế. Nhược điểm lớn nhất của công nghệ tái chế truyền thống hiện nay là chât lượng sản phẩm nhựa tái chế thấp, chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường bình dân đồng thời mức tiêu hao năng lượng và mức phát thải cao.
      Mặt bằng sản xuất. Hầu hết các cơ sở tái chế nhựa đều có diện tích nhỏ hẹp, điều này gây khó khăn cho nhu cầu mở rộng sản xuất cũng như thay đổi công nghệ của cơ sở.
      Yếu tố con người. Lực lượng lao động ngành tái chế nhựa hiện nay có nhược điểm là hầu hết trình độ thấp, tay nghề chưa cao. Đây là một khó khăn quan trọng trong việc cải thiện hiệu quả tái chế, đổi mới công nghệ sản xuất và mở rộng sản xuất. Năng lực quản lý của đội ngũ quản lý trong các cơ sở tái chế nhựa rất thấp so với mặt bằng chung của các ngành sản xuất khác, hầu hết là chủ cơ sở và quản lý theo quy mô gia đình. Điều này hợp lý khi sản xuất ở quy mô nhỏ, nhưng là một trở ngại quan trọng đối với đổi mới công nghệ tái chế và mở rộng sản xuất.

      (3) Thuận lợi
      Về nguồn phế liệu nhựa. Nhựa chiếm tỷ trọng lớn trong lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và có xu hướng ngày càng tăng.
      Giá phế liệu. Giá phế liệu rất thấp. Theo khảo sát, giá phế liệu nhựa dao động khoảng 1500 – 8000 đ/kg (Quỹ Tái chế, 2009). Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh.
      Các yếu tố xã hội.
      Chương trình phân loại rác tại nguồn được xã hội quan tâm và đang từng bước được mở rộng. Đây là một điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tái chế trong quá trình thu mua và phân loại nhựa phế liệu.
      Với việc thành lập Quỹ Tái chế chất thải, TP.HCM hiện đi đầu trong việc chính thức có cơ quan nhà nước hỗ trợ và xúc tiến các hoạt động tái chế. Bên cạnh việc cho vay vốn đối với các dự án tái chế, Quỹ Tái chế chất thải tham gia đề xuất chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế, tham gia xúc tiến các dự án tái chế và hỗ trợ thông tin cho các đơn đơn vị làm tái chế, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn, tăng cường tiết giảm, tái sử dụng và tái chế chất thải,…

      (1) Khó khăn
      Về nguồn phế liệu.
      Nguồn nguyên liệu phế liệu nhựa được thu mua từ nhiều nguồn, thành phần và chất lượng không ổn định. Do không được phân loại ngay từ nguồn nên phế liệu nhựa còn lẫn nhiều tạp chất gây khó khăn cho công việc lưu trữ và tái chế nhựa đồng thời ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm nhựa tái chế. Nguồn cung cấp phế liệu không đảm bảo về số lượng và chất lượng gây khó khăn chủ yếu cho các dự án tái chế quy mô lớn. Sự bị động về nguồn phế liệu làm ngành tái chế nói chung và ngành tái chế nhựa khó có thể lên kế hoạch sản xuất cụ thể và không dám mở rộng quy mô sản xuất.
      Nguồn vốn. Thiếu nguồn vốn cho công tác đầu tư để mở rộng và phát triển các hoạt động tái chế nhựa trên địa bàn TP.HCM, chủ yếu là đối với các đơn vị tái chế vừa và nhỏ.
      Thị trường. Đại bộ phận người tiêu dùng hiện nay không ủng hộ các sản phẩm nhựa tái chế do lo sợ nguồn gốc phế liệu nhựa không rõ ràng, chất lượng nhựa tái chế thấp, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhựa đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
      Tài chính. Các tổ chức tài chính, ngân hàng rất quan trọng trong việc cung cấp sự hỗ trợ cho các cơ sở tái chế nhựa để họ có thể mở rộng sản xuất, nâng cao công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và thành công trong việc sản xuất kinh doanh. Theo luật Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng có thể cung cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp khi mà có sự đảm bảo về việc thanh toán nợ. Đây là một khó khăn cho các cơ sở tái chế quy mô nhỏ trong cơ hội vay vốn đầu tư cải tiến công nghệ và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cũng không có sự khuyến khích, ưu đãi nào từ các ngân hàng về việc cho vay để tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường[1].
      Chính sách
      Hoạt động tái chế nhựa được liệt vào danh sách các ngành nghề sản xuất, kinh doanh không cấp mới giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, không cấp mới hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư trong khu dân cư tập trung.
      Hoạt động tái chế chất thải chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía các cơ quản lý nhà nước. Về mặt luật và chính sách, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể nhằm khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động tái chế nói chung và tái chế nhựa nói riêng. Vì vậy, hoạt động tái chế nhựa chưa thu hút được sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng như các thành phần kinh tế khác, các cơ sở tái chế hiện nay cũng không có động lực và sự hỗ trợ cần thiết để nâng cấp công nghệ và mở rộng sản xuất.

      4. GIẢI PHÁP HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TÁI CHẾ NHỰA
        Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại TPHCM, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp gồm các giải pháp mang tính pháp lý, các giải pháp mang tính kinh tế và các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa. Các giải pháp này tập trung giải quyết 3 vấn đề (i) quy định trách nhiệm tái chế chất thải nhựa đối với doanh nghiệp, (ii) nâng cao hiệu quả thu gom phế liệu nhựa và (iii) hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tái chế nhựa.

        4.1 Nâng cao hiệu quả thu gom và phân loại phế liệu nhựa
        Theo khảo sát của Quỹ Tái chế (2009), khó khăn của các dự án tái chế nhựa quy mô lớn không nằm ở vấn đề đầu tư công nghệ mà là ở nguồn nguyên liệu. Hệ thống thu mua phế liệu nhựa hiện nay không đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cả về lượng vẫn về chất.
        Nhóm các giải pháp mang tính pháp lý
        -         Quy định về việc dán nhãn phân loại bao bì nhựa, sản phẩm nhựa;
        -         Quy định về bắt buộc phân loại chất thải rắn tại nguồn.
        Nhóm các giải pháp mang tính kinh tế
        -         Tính phí thu gom và tái chế bao bì nhựa.
        Các giải pháp khác
        -         Thực hiện ký quỹ hoàn chi đối với một số bao bì nhựa;
        -   Lập hệ thống thu gom chất thải nhựa (đặc biệt là các loại ít có giá trị như túi ni-lông) tại các điểm công cộng;
        -         Tổ chức điều phối hoạt động thu mua phế liệu;
        -         Nâng cao ý thức cộng đồng về sử dụng và thải bỏ hợp lý chất thải nhựa.
        mô hình hệ thống thu mua phế liệu có sự điều phối
        4.2 Chính sách hỗ trợ hoạt động tái chế nhựa
        Nhu cầu hỗ trợ của các đơn vị tái chế nhựa hiện nay tập trung ở 3 vấn đề: nguyên liệu, vốn và mặt bằng. Mục tiêu của Chính sách là hỗ trợ ngành Tái chế nhựa thành phố khắc phục các khó khăn và tạo các thuận lợi về môi trường chính sách-kinh tế-xã hội để ngành tái chế nhựa có thể hoạt động một cách có hiệu quả nhất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm tihểu các vấn đề môi trường liên quan đến chất thải rắn.
        Hoạt động tái chế nhựa (các đơn vị tái chế nhựa, các dự án tái chế nhựa) cần được hỗ trợ trên bốn phương diện chính sau đây:
        (1) Hỗ trợ mặt bằng
        Vận dụng Điều 33, 68 và 117, Luật BVMT (2005), các cơ sở tái chế nhựa (có nhu cầu) được hỗ trợ về đất đai để tạo điều kiện ổn định sản xuất lâu dài.
        Hình thức hỗ trợ:
        -         Hỗ trợ, tư vấn tìm kiếm mặt bằng sản xuất phù hợp. Ưu tiên bố trí mặt bằng cho các dự án tái chế nói chung và tái chế nhựa nói riêng trong quy hoạch các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn của thành phố;
        -         Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điên, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống xử lý nước thải...);
        -         Miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong một số năm nhất định khi dự án mới đi vào hoạt động (theo Luật Bảo Vệ Môi Trường và các quy định hiện hành).
        Như vậy, các dự án tái chế nhựa sẽ được cấp đất trong các khu Liên Hiệp Xử Lý CTR đã quy hoạch (Phước Hiệp, Củ Chi, Đa Phước, Bình Chánh và Thủ Thừa, Long An);
        (2) Hỗ trợ về Tài chính
        Vận dụng Điều 33, 68 và 117, Luật Bảo vệ Môi trường (2005), các doanh nghiệp tái chế nhựa được ưu tiên hỗ trợ về tài chính.
        Hỗ trợ về vốn:
        Các dự án tái chế nhựa có nhu cầu hỗ trợ về vốn có thể nộp hồ sơ xin vay vốn tại Quỹ Tái chế chất thải. Các dự án đảm bảo các tiêu chí theo Quy chế cho vay của Quỹ sẽ được cho vay ưu đãi (lãi suất thấp hoặc bằng không) trong một thời hạn nhất định đối với các dự án đầu tư về công nghệ tái chế nhựa, đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm nhựa tái chế, cải tiến hệ thống thu mua và phân loại có hiệu quả hơn. Mức cho vay tối đa đối với mỗi dự án là 7,5 tỷ đồng.
        Ưu đãi về thuế:
        Quỹ Tái Chế đề xuất để các doanh nghiệp tái chế nhựa được hưởng các ưu đãi về thuế như được miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp doanh nghiệp trong một số năm nhất định.
        (3) Hỗ trợ Kỹ thuật và Thông tin
        Các cơ sở tái chế nhựa được tạo điều kiện tiếp cận với công nghệ tái chế tiên tiến, được hỗ trợ thông tin và tư vấn kỹ thuật, đặc biệt là về:
        -         Công nghệ tái chế nhựa tiên tiến;
        -         Các giải pháp sản xuất sạch hơn cho ngành tái chế nhựa;
        -         Kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường do hoạt động ngành tái chế nhựa;
        -         Thông tin về các chính sách hỗ trợ tái chế nhựa.
        Quỹ tái chế hỗ trợ thông tin và kỹ thuật cho các cơ sở tái chế nhựa với các hình thức như:
        -         Phối hợp với các cơ quan chức năng các công ty nhựa trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo cập nhật thông tin và phổ biến, quảng bá về công nghệ tái chế nhựa cho các cơ sở tái chế nhựa;
        -         Phối hợp với các cơ quan chức năng, các viện nghiên cứu… tổ chức các lớp tập huấn sản xuất sạch hơn ngành nhựa;
        -         Tổ chức cho các cơ sở tái chế nhựa tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các cơ sở tái chế nhựa điển hình trong và ngoài nước;
        -         Tổ chức một bộ phận tư vấn thường trực (thuộc Quỹ Tái chê), chuyên trách hỗ trợ kỹ thuật và thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu về ngành nhựa cho các cơ sở tái chế nhưa;
        (4) Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tái chế
        Chứng nhận chất lượng và nguồn gốc sản phẩm tái chế. Theo khảo sát của Quỹ Tái chế, tâm lý người tiêu dùng hiện nay vẫn còn e ngại đối với các sản phẩm từ hạt nhựa tái chế. Người tiêu dùng hiện nay thường đánh đồng sản phẩm tái chế với sản phẩm chất lượng kém, mẫu mã xấu. Vì vậy, để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm tái chế nói chung và nhựa tái chế nói riêng, cần có tổ chức chứng nhận chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm tái chế nhựa.
        Thúc đẩy mua bán sản phẩm có nguồn gốc từ tái chế. Khuyến khích/bắt buộc các tổ chức nhà nước mua các sản phẩm có nguồn gốc tái chế và thể hiện trong báo cáo hoạt động.

        4.3 Thành lập Hiệp hội Tái chế
        Thật sự cần phải có một tổ chức giúp liên kết các hoạt động trong lĩnh vực tái chế, đóng vai trò làm cầu nối, vừa hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định về tái chế, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế hoạt động theo hướng phát triển bền vững phù hợp với Luật pháp VN. Sự ra đời của Hiệp hội tái chế sẽ đáp ứng các nhu cầu trên. Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương sẽ quản lý và giám sát việc thi hành các luật, quy định liên quan đến tái chế nhựa thông qua hiệp hội tái chế nhựa.
        Hiệp hội tái chế nhựa điều phối hoạt động tái chế chất thải, thu phí tái chế chất thải từ nhà sản xuất. Đơn vị tái chế nhận tiền từ hiệp hội để tái chế chất thải và báo cáo hoạt động tái chế về cho hiệp hội.
        Vai trò của Hiệp hội Tái chế trong quá trình điều phối và thu phí tái chế
        5. KẾT LUẬN
          Chiếm thành phần lớn thứ hai trong chất thải rắn hoạt đồng thời với bản chất khó phân hủy, chất thải nhựa đang ngày càng trở nên vấn đề cần quan tâm tại TP HCM. Hiện nay, tại TPHCM, một phần chất thải nhựa được chôn lấp, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu phát sinh nhiều ô nhiễm trong quá trình tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. Phần chất thải nhựa còn lại phát tán trong môi trường, không chỉ gây ô nhiễm mà còn mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, các dự án tái chế nhựa quy mô lớn, công nghệ cao lại đang gặp khó khăn về nguồn cung cấp nguyên liệu do hệ thống thu mua phế liệu nhựa hiện nay chưa thật sự hiệu quả.
          Hoạt động tái chế chất thải nhựa là cần thiết và cần được phát triển bền vững tại TP.HCM. Tuy nhiên, để tái chế chất thải nhựa thật sự đem lại hiệu quả kinh tế-môi trường, cần thiết phải hỗ trợ đổi mới công nghệ đối với các cơ sở tái chế vừa và nhỏ, đồng thời nâng cao hiệu quả thu gom phế liệu nhựa nhằm hỗ trợ nguồn nguyên liệu cho các dự án tái chế nhựa quy mô lớn. Để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ khuyến khích từ phía nhà nước, cần có cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đối với tái chế chất thải nhựa.


          Không có nhận xét nào:

          Đăng nhận xét