Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Cơ hội phát triển tái chế chất thải nhựa

Ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại TP.HCM vào khoảng 400.000 tấn/năm.
TP.HCM đang chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị với lượng phát sinh trung bình hơn 7.000 tấn/ngày. Theo kết quả khảo sát thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt của Quỹ tái chế chất thải TP.HCM (thuộc Sở TN&MT TP.HCM), lượng nhựa chiếm tỉ trọng cao, chỉ sau rác thực phẩm. Chúng tập trung nhiều ở các siêu thị, trung tâm thương mại và khu vực văn phòng.

Thiếu nguyên liệu trong nước
Ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 tấn chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, khoảng 48.000 tấn chất thải nhựa bị chôn lấp cùng các loại chất thải khác mỗi năm. Còn khoảng 200.000 tấn chất thải nhựa tồn lưu, được thu mua để tái chế hoặc phát tán vào môi trường. Theo Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng chất dẻo và đào tạo Vinaplast, Việt Nam có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nhựa, trong đó TP.HCM chiếm hơn 70%. Hiện thị trường trong nước chỉ cung cấp khoảng 300.000 tấn nguyên liệu/năm trong khi số lượng nhập khẩu lên đến 1,6-1,7 triệu tấn. Điều này có nghĩa nguyên liệu và thiết bị sản xuất của ngành nhựa phải nhập khẩu gần 100%.
Tái chế chất thải nhựa mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tác động đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất… Chi phí chôn lấp một tấn rác hiện nay là khoảng 300.000 đồng. Nếu 50.000 tấn chất thải nhựa hiện nay đang chôn lấp được mang đi tái chế, TP.HCM có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỉ đồng mỗi năm. Với số tiền này, chúng ta có thể sử dụng vào mục đích hữu ích hơn như nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ đồng bào đang bị thiên tai… Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại TP.HCM vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.
Đón đầu xu thế
Hiện nay, hoạt động tái chế nhựa tại TP.HCM đang được thực hiện bởi hai nhóm đơn vị là các doanh nghiệp lớn và cơ sở tái chế nhựa vừa và nhỏ. Với công nghệ tái chế còn đơn sơ, một số cơ sở quy mô nhỏ không đạt được hiệu quả về kinh tế, môi trường. Đồng thời, hiệu suất tiêu thụ năng lượng, phát thải ô nhiễm cao. Hạt nhựa tái chế có chất lượng thấp chỉ sử dụng để sản xuất các mặt hàng nhựa gia dụng giá trị thấp. Với các doanh nghiệp lớn, theo Quỹ tái chế chất thải (2009), 14% các đơn vị này tại TP.HCM có hoạt động tái chế nhựa. Trong đó 57% sử dụng nguồn phế liệu nhựa là sản phẩm lỗi trong sản xuất của công ty. Phần còn lại là thu mua từ bên ngoài để tái chế. Mặc dù đạt được hiệu quả kinh tế nhưng những doanh nghiệp lớn chỉ mới dùng lại ở việc tái chế các sản phẩm trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ rác sinh hoạt. Bởi họ còn e ngại về tính ổn định của nguyên liệu đầu vào.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia cho rằng để việc tái chế phế liệu nhựa được thực hiện tốt, Nhà nước, Chính phủ cần có những chính sách cụ thể. Xã hội cần quan tâm, cổ vũ cộng đồng; nêu gương những điển hình tiên tiến. Đặc biệt, mỗi gia đình, cá nhân phải nghiêm túc thực hiện, hợp sức cho việc thu hồi, tái chế nhựa. Từ năm 2012, Quỹ tái chế chất thải TP.HCM triển khai việc hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với các chương trình, đề án, dự án, hạng mục liên quan đến hoạt động tái chế chất thải. Đối tượng cho vay là các tổ chức có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp có các hạng mục, chương trình, đề án, dự án phù hợp và khả thi; thuộc địa bàn TP.HCM hoặc của thành phố tại các địa phương khác… Ngoài ra, chương trình cho vay cũng áp dụng với các hạng mục, chương trình, đề án, dự án khác có liên quan theo quyết định của UBND TP.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét