Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Nhựa Tân Phú, một DN lớn phía Nam của ngành nhựa VN cho rằng trong suốt hơn 35 năm gắn bó với ngành nhựa, chưa bao giờ ông thấy ngành nhựa ế ẩm như hiện nay.
Theo ông Hùng, khó khăn của ngành nhựa không hoàn toàn do suy thoái kinh tế nói chung, mà còn do các chính sách chưa hợp lý, việc chưa hỗ trợ kịp thời của nhà nước.
- Thưa ông, tình hình chung của các DN nhựa hiện nay như thế nào ?
Rất khó khăn từ đầu năm đến nay và sẽ còn rất khó trong thời gian tới. Thông thường, quý 4 là quý chuẩn bị cho ngày tết, các DN nhận đơn hàng không xuể, nhất là các mặt hàng gia dụng như ghế nhựa, dép nhựa, đồ chơi bằng nhựa…, nhưng quý 4 năm nay hoạt động của ngành nhựa dường như không có sự chuyển biến so các quý trước, do thị trường vẫn đang bão hòa. Hiện tượng ế ẩm và buồn tẻ của ngành nhựa năm nay là chưa từng có trong khoảng hơn 30 năm nay, kể cả những năm khó khăn như 2008- 2009 do khủng hoảng kinh tế. Bản thân tôi đã gắn bó với ngành nhựa hơn 35 năm, từ 1977 đến nay mới vướng phải tình trạng như hiện nay…
- Thưa ông, phải chăng khó khăn của ngành nhựa cũng như khó khăn khách quan của mọi ngành, do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu?
Các khó khăn chung đối với DN như lãi suất ngân hàng cao kéo dài nhiều năm, sức mua giảm, dẫn đến DN không đủ hợp đồng sản xuất… thì DN nhựa đều nếm trải. Tuy nhiên, khó khăn của DN ngành nhựa theo tôi còn do một số chính sách của Nhà nước chưa phù hợp. Cụ thể như về các chính sách tài chính, lãi suất thất thường có khi trên 23%- 25% khiến DN duy trì hoạt động đã khó, chưa nói đến phát triển. Hiện lãi suất ngân hàng đã đã giảm nhưng vẫn không dưới 14%, tuy nhiên có rất ít DN tiếp cận được nguồn vốn này. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, lãi suất tiền vay hiện phổ biến chỉ dưới 5%/năm.
Ngoài ra, chính sách “cứu” DN của Nhà nước có sự phân biệt, chỉ có DNNVV mới được “cứu”, theo tôi như vậy là bất bình đẳng và không rõ tiêu chí “cứu” DN. Bởi lý do là dù quy mô vốn lớn hay nhỏ thì cũng đều là DN, đều có vai trò trong phát triển kinh tế đất nước. Đó là chưa kể đến việc DN lớn thì nộp thuế nhiều, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp nhiều cho xã hội, gánh nặng nhiều lại không được ưu đãi. Hiện DN phải chịu Thuế thu nhập DN mức 25%, cộng lãi suất ngân hàng khoảng 15% như hiện nay thì sẽ không còn sức chịu đựng.
- Ông có thể nêu riêng với ngành nhựa, những chính sách nào của Nhà nước đã gây thêm khó khăn cho DN ?
Về thuế túi nilon, có 5 ngành hàng hóa, sản phẩm chịu thuế môi trường thì ngành nhựa chịu mức thuế cao nhất. DN chúng tôi nhận thức được sản xuất ngành nhựa gây tác hại lớn cho môi trường, và chúng tôi phải có phần trách nhiệm đóng góp lại cho xã hội như chịu thuế cao, cũng như đầu tư cho xử lý… nhưng phải có lộ trình hợp lý. Cụ thể, việc đánh thuế túi bao nilon là cần thiết, nhưng chưa có lộ trình hợp lý. Ví dụ việc đánh thuế bao nilon hàng xuất khẩu (dù bao nilon đó sử dụng ở nước ngoài) thời gian qua đã gây khó khăn cho DN rất nhiều, làm cho giá túi nilon đột nhiên tăng gấp đôi vào quý 1 gây khó khăn lớn cho DN xuất khẩu. Vẫn biết hiện đã dừng đánh thuế bao nilon hàng xuất khẩu, nhưng trước đó thực tế cũng gây rất nhiều thiệt thòi cho chúng tôi và DN phải hoàn toàn gánh chịu.
- Theo ông, Nhà nước nên có những chính sách gì hỗ trợ DN nói chung, ngành nhựa nói riêng trong tình hình hiện nay ?
Hiện tượng ế ẩm và buồn tẻ của ngành nhựa năm nay là chưa từng có trong khoảng hơn 30 năm nay, kể cả những năm khó khăn như 2008- 2009 do khủng hoảng kinh tế.
|
Cụ thể trước mắt cần giảm thuế TNDN về mức 15-17%/lợi nhuận; giảm lãi suất tiền vay thấp hơn mức hiện nay khoảng vài %.
- Rất nhiều người vẫn cho rằng hiện nay giải pháp “tự cứu” vẫn là sáng suốt và triệt để nhất đối với DN, quan điểm của ông ?
Đây là một trong những giải pháp mà DN phải thực hiện nghiêm túc và lúc này. Hướng khắc phục khó khăn của DN hiện nay cần tập trung vào rà soát lại chi phí, phương pháp quản lý, hiệu suất bộ máy… để giảm chi phí, tăng năng suất. Dài hơi hơn là phải xây dựng chiến lược phát triển Cty trong một khoảng thời gian nhất định, ví dụ 5 năm, 10 năm và bám chặt vào chiến lược phát triển đó.
Bên cạnh đó, cần đặt ra nhiều phương án về thị trường để chuyển đổi tốt cơ cấu điều hành, giảm rủi ro, tránh hao hụt. Tiếp cận với các xu hướng mới của thị trường, sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu, quốc kế dân sinh...
Chú ý, nếu phát triển đa ngành nghề hoặc đầu tư ngoài ngành cần thận trọng, tính toán kỹ các yếu tố cần và đủ và xem yếu tố hiệu quả là trên hết, không theo phong trào...
- Ông có thể cho biết vài nét định hướng phát triển của Nhựa Tân Phú?
Năm 2012 Nhựa Tân Phú xuất khẩu ổn định trên 3 triệu USD, chủ yếu vào thị trường Nhật, Thái Lan, Campuchia. Chiến lượt của Cty sẽ mở rộng đối tượng mặt hàng, khách hàng. Cụ thể hơn 2 năm nay chuẩn bị xây nhà máy tại Lào, đầu 2013 sẽ đầu tư giai đoạn 1 là 12 tỷ đồng và đã có khách hàng bao tiêu đầu ra, dự kiến doanh thu khoảng 10 triệu USD. Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô lớn hơn, nhưng do thị trường chứng khoán chưa thuận lợi nên đang cân nhắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét